Hướng dẫn tự chế máy chơi game giải trí mùa giãn cách xã hội bằng Raspberry Pi

Raspberry Pi là chiếc máy tính siêu nhỏ nhưng có thể làm rất nhiều việc, ví dụ như làm camera giám sát, điều khiển smart home, hệ thống xem phim giải trí hoặc chơi game và rất nhiều công dụng khác phụ thuộc vào từng phần mềm. Ưu điểm của Raspberry Pi là nhỏ gọn (chỉ nằm trong lòng bàn tay), tiêu thụ ít điện năng và giá rất rẻ. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách để cài đặt Raspberry thành chiếc máy chơi game giả lập các hệ máy cổ điển như Nintendo, Sega, Sony PlayStation.

Raspberry Pi 3 và tay cầm SNES

Bạn cần chuẩn bị những gì?

Để làm được hệ thống máy chơi game, bạn cần có những thiết bị sau:

  • Máy Raspberry Pi 2, 3 hoặc 4: Hiện tại về giá cả thì Pi 3 rất hợp lý, vào khoảng 7-8 trăm nghìn, có thể tìm mua dễ dàng trên các chợ thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, v.v…
  • Tivi hoặc màn hình có cổng HDMI
  • Dây cáp HDMI
  • Thẻ nhớ Micro SD để cài hệ điều hành, tốt nhất nên từ 16GB trở lên
  • Đầu đọc thẻ nhớ Micro SD
  • Nguồn 5V 2.5A USB cho Raspberry Pi, lưu ý cái Ampere phải từ 2-2.5A mới đủ. Củ sạc của iPad là một ví dụ tiêu biểu đạt chuẩn.
  • Dây Micro USB để cấp nguồn
  • Bàn phím USB
  • Máy tính để tải và cài đặt hệ điều hành lên thẻ nhớ

Ngoài ra, những thứ sau là tùy chọn, có thể có hoặc không, nhưng lời khuyên là nên có:

  • Tay cầm (gamepad) để chơi game
  • Case bảo vệ cho Raspberry Pi
  • Quạt tản nhiệt cho Raspberry Pi
  • Cáp mạng RJ45

Các bước cài đặt

1. Tải Raspberry Pi Imager

Cũng giống như máy tính phải cài hệ điều hành (Windows, Linux, v.v…) lên ổ cứng mới chạy được, Raspberry Pi cần có hệ điều hành cài lên thẻ nhớ. Raspberry Pi Imager là phần mềm dùng để làm việc đó.

Bạn cần tải về Raspberry Pi Imager từ website chính thức của Raspberry Pi bằng cách nhấn vào đây. Sau khi tải xong, hãy cài đặt và chạy, giao diện bạn thấy sẽ như hình bên dưới:

Giao diện của Raspberry Pi Imager

Sau đó, hãy cắm thẻ nhớ vào đầu đọc thẻ và cắm vào máy tính. Ở mục Operating System, bạn hãy chọn RetroPie, còn ở Storage hãy chọn thẻ nhớ của bạn. Hãy chú ý chọn đúng thẻ nhớ, kẻo chọn nhầm ổ cứng là sẽ bị format mất hết dữ liệu đó!

Chọn RetroPie trong mục Operating System

Lưu ý, RetroPie có nhiều phiên bản, nếu máy Pi của bạn là bản 3, hãy chọn phiên bản RPI 2/3, nếu máy của bạn là 4, hãy chọn RPI 4/400.

Sau khi chọn xong, bấm Write và chờ Imager ghi dữ liệu lên thẻ nhớ.

2. Cài đặt RetroPie

Sau khi Imager ghi xong dữ liệu lên thẻ nhớ, bạn rút thẻ và cắm vào khe Micro SD của máy Raspberry Pi. Nếu có case bảo vệ, hãy lắp vào để bảo vệ máy tránh chập điện.

Tiếp theo, hãy cắm bàn phím và gamepad (nếu có) vào Raspberry Pi, nối cáp HDMI từ Raspberry Pi vào tivi, sau đó cắm nguồn cho Raspberry Pi để khởi động máy. Quá trình khởi động có thể mất vài phút, hãy chờ cho tới khi màn hình Welcome hiện ra như bên dưới:

Màn hình Welcome của RetroPie

Tới bước này, RetroPie sẽ tự nhận diện tay chơi game của bạn và yêu cầu bạn cài đặt. Hãy giữ 1 nút bất kì trên tay gamepad và bắt đầu cài đặt. Quá trình cài rất đơn giản, bạn sẽ được yêu cầu gán phím lên xuống, trái phải, A, B, X, Y, vân vân… chỉ cần bấm phím tương ứng trên gamepad là được. Nếu có 2 gamepad, hãy cài đặt tiếp thêm lần nữa.

3. Cấu hình RetroPie

Màn hình khởi động RetroPie

Sau khi hoàn thành các bước trên, bạn sẽ tới màn hình của RetroPie. Chọn RASPI-CONFIG rồi nhấn Enter hoặc nút A trên gamepad. Chờ một lát sẽ có menu màu xanh hiện lên. Bạn cần vào phần Localisation Options và tìm chọn English (US) bởi vì ở Việt Nam đa số dùng bàn phím theo chuẩn Mỹ (nếu bàn phím của bạn là chuẩn khác thì hãy chọn cái tương ứng).

4. Cài đặt Wi-Fi

Nếu bạn dùng dây mạng RJ45 để cắm thẳng vào thì có thể bỏ qua bước này.

Thoát khỏi màn hình cài đặt bên trên, bạn hãy chọn RetroPie ở EmulationStation, rồi chọn Wi-Fi trong menu. Màn hình cấu hình màu xanh khác lại hiện ra, cứ bước làm đơn giản cứ theo như trên màn hình, đó là chọn mạng wi-fi, nhập mật khẩu là xong.

5. Chép game vào máy

Ở đây các bạn cần lưu ý, là theo luật ở một số nước thì việc sử dụng game mà bạn không sở hữu là phạm pháp, hãy tự xem luật trước khi làm tiếp.

Các băng game (game cartridge) ngày xưa vốn được lưu trên các con chip nhớ chỉ đọc (read-only memory, viết tắt là ROM) nên khi cộng đồng game chép dữ liệu từ chip ra thì gọi luôn game là ROM. Bạn có thể tìm tải về các file ROM của game rất dễ, chỉ cần gõ tên game + ROM, hoặc tên máy + ROM là được, ví dụ: Super Mario ROM, Nintendo ROM, NES ROM, SNES ROM, v.v….

Từ máy tính, bạn hãy tìm đến địa chỉ \\retropie (trên Windows thì nhấn phím Win+R và gõ vào hộp thoại Run, trên Mac thì vào Finder gõ vào Go To).

Tiếp theo, bấm vào folder “roms”, bạn sẽ thấy danh sách các folder con có tên tương ứng với các hệ máy, ví dụ như NES (Nintendo Entertainment System – máy 4 nút), SNES (Super Nintendo Entertainment System hay máy đĩa mềm), PSX (PlayStation 1), Genesis (Sega 6 nút), GBA (Gameboy Advance), v.v… Tôi chỉ kể ra những hệ máy tiêu biểu phổ biến ở Việt Nam để các bạn dễ nhận biết. Hãy chép ROM vào các folder tương ứng với hệ máy, đừng chép nhầm.

Dưới đây là tên gốc của một số game hay mà có thể ngày xưa còn bé các bạn không nhớ:

  • Ninja Gaiden (xưa hay gọi là ninja tecmo hay ninja đồ đệ)
  • Shadow of the Ninja (ninja kage)
  • Legend of the ninja (ninja cứu mẹ)
  • Teenage mutant ninja turtles (ninja rùa)
  • Jackal (xe jeep)
  • Silkworm (chiến tranh vùng vịnh – 2 người chơi lái xe jeep và trực thăng)
  • Chip & Dale (game 2 con sóc chơi phối hợp siêu hay)
  • Twin bees (bắn chuông)
  • Double Dragon (tự dưng quên khi xưa gọi là gì, nhưng đây là game cực kinh điển)
  • Battle Toads (2 con ếch đánh chưởng)
  • Bomberman (đặt bom, trên SNES là Super Bomberman có đối kháng chơi rất hay)
  • Kunio Kun Nekketsu Soccer League (đá bóng chưởng, bóng hóa thành con cá, tia sét, cực vui)
  • Balloon fight (châm bóng)
  • The goonies (cứu em)
  • Metal warriors (robot 95, robot đánh nhau đối kháng trên SNES)
  • Dragon ball Z (xưa gọi là Đại sư phụ vì hình như có bộ truyện tranh nhái, gọi Son Goku là Lôi Phong, Gohan là Lôi Bảo, v.v…)
  • Mortal Kombat (rồng đen)
  • Tetris (xếp hình)
  • Life force (bắn máy bay)
  • Còn nhiều nữa nhưng ai quên thì cứ comment mô tả nhé, nếu biết tôi sẽ giúp tìm lại.

Sau khi chép xong, hãy khởi động lại RetroPie bằng cách bấm Options (nếu dùng gamepad là nút Select), chọn Quit. Sau khi khởi động lại, RetroPie sẽ tự động scan các folder trên và hiển thị danh sách ROM tương ứng. Tới đây chỉ việc chọn và chơi thôi!

Chơi thôi nào!

Lời kết

Việc cài đặt RetroPie có thể hơi nhiều bước rắc rối, nhưng thành quả rất ngọt ngào, còn gì vui hơn được sống lại những kỉ niệm ngày thơ ấu và giết thời gian trong thời điểm stay at home này. Nếu muốn cài đặt dễ dàng hơn, bạn có thể thử Recalbox thay cho RetroPie (chọn trong phần Choose OS của Raspberry Pi Imager), tuy nhiên do không dùng nên tôi không có hướng dẫn cụ thể.

Bài viết của Jolly Joker, vui lòng chỉ chia sẻ link, không sao chép đăng lại nội dung.

Tagged :

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *